Trang chủ

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Hoya Crassicaulis

Cái nụ đầu tiên hườm hườm, mình hăm hở chụp.


Vì chưa có kinh nghiệm với em này nên mình không đoán được khi nào ẻm nở. Buổi chiều lên vườn thì ẻm nở bét nhè từ khi nào rồi. Nhìn em mà lòng thất vọng não nề vì trong mắt mình em chẳng đẹp lung linh như trên web. Danh hiệu người đẹp qua ảnh mình giành cho ẻm quả không sai. Chán quá, chẳng buồn chụp hình nữa.

Mới hai ngày, hoa đã rụng tơi tả nhưng chỉ vài ngày sau đợt nụ mới lại nhú lên. Lần này mình ráng lên vườn sớm hơn nhưng ẻm cũng nở từ hồi nào chẳng hay. Chán thật ! Nhưng chẳng lẽ hoa nở mà không chụp tấm hình nào thì "tội lỗi" quá. Vậy là một tấm duy nhất để lưu lại đợt hoa thứ hai.


Hai ngày sau, trước khi từ giã cõi đời, em e ấp khép cánh lại. Haha... vậy là mình có mấy tấm hình đem đi "lừa" thiên hạ (và chắc lừa cả chính mình nữa quá. Sao trong hình em ấy lại đẹp lung linh đến vậy ???)






Mấy ngày sau, đợt nụ thứ ba lại xuất hiện. Lần này thì mình đem ẻm xuống dưới nhà để rình xem khi nào nở. Vậy mà xém chút nữa lại hụt lần thứ ba. Mới quay qua quay lại chút xíu, ẻm đã nở bung rồi, chỉ còn sót lại hai cái nụ. Không giống các loại cẩm cù khác thường nở vào chiều tối, Hoya Crassicaulis nở lúc giữa trưa.



Hoa nở rất nhanh. Mình bấm máy liên tục trong vòng vài phút đã thấy sự thay đổi từ bức ảnh nọ sang bức ảnh kia rồi.





Hoa vừa mới nở đã có mùi thơm. Mùi thanh thanh, dịu dịu không giống như các mùi cẩm cù khác - ngọt ngào và nồng nàn.




Hai ngày sau em lại khép cánh như thế này nhưng cũng chỉ hai, ba ngày sau, đợt nụ thứ tư lại xuất hiện rồi.


Mình không ưng màu sắc của em này lắm nhưng được cái ẻm rất tròn. Mình thích cẩm cù có dạng quả cầu như thế này.



Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm trồng dendrobium


Bài này chia sẻ những gì mình đã quan sát và đã làm với dendro. Từ giai đoạn mua hoa về chơi, hoa tàn thì lá rụng dần rồi cây cũng từ từ ra đi. Đến giai đoạn có thể trồng cây sống khỏe mạnh và ra nhiều hoa mất khoảng thời gian là hai năm. Một khoảng thời gian còn rất ngắn để dày dạn kinh nghiệm . Cho nên bài này chống chỉ định với các bác cao thủ võ lâm vào đọc và "còm men". Chỉ hy vọng giúp ích được cho những ai cũng đang abc như mình.




Trước tiên, các yếu tố môi trường cần quan tâm là ánh sáng, độ thông thoáng, độ ẩm và nhiệt độ.
Về ánh sáng : Loại den ra hoa quanh năm mà "dân gian" gọi là den nắng. Nghe tên vậy là đủ biết loại này sẽ cần nhiều nắng hơn. Mình treo cây này ra phía ngoài để hứng nắng được nhiều hơn. Một loại den ra hoa theo mùa thì thời gian chiếu sáng ít hơn một chút.
Ánh nắng không những rất cần thiết để den có thể ra hoa mà ánh nắng vừa đủ còn làm cho cây khỏe mạnh nữa. Đây là một trong hai lý do quan trọng nhất mà trước kia den của mình toàn bị chết là do thiếu nắng và tưới không đúng cách.
Cây nhà mình hiện nay được hứng nắng sáng trực tiếp khoảng 4 -5 tiếng mỗi ngày. Vào mùa hè, mình treo lan lui sâu vào trong một chút để giảm bớt cường độ sáng quá cao cũng sẽ làm lan yếu và chậm lớn.



Độ thông thoáng và độ ẩm : tên gọi là "phong lan" nói lên việc cần thiết của gió. Mình đã thấy có nơi họ dùng quạt hơi nước để tạo ẩm và thoáng cho lan. Tuy nhiên. mình trồng trên sân thượng nên độ thoáng gió thì có thừa mà độ ẩm thì thiếu. Mình tăng ẩm cho vườn bằng cách trồng nhiều loại cây thủy sinh như lá dứa (lá nếp), bách thủy tiên, mexican pentunia. Mình không thể trồng sen, súng vì loại này thì cần nhiều nắng, còn những loại cây thủy sinh kể trên chỉ cần nắng nhẹ. Ngoài ra, mình còn tăng ẩm bằng cách tưới (sẽ nói rõ ở phần sau)


Giá thể trồng dendro : Mua lan ở ngoài tiệm về sẽ thấy giá thể trồng lan rất đa dạng : than đập nhỏ, xơ dừa khô cắt miếng, mùn xơ dừa trộn với trấu sống, vỏ đập phộng, mốp xốp... Các tay chơi trên mạng còn bày nhau dùng sỏi nhẹ, đá dùng cho hồ thủy sinh đập nhỏ ... Với mình thì chẳng có loại giá thể nào là đúng hay sai. Nó phụ thuộc vào thói quen chăm sóc, tưới tắm của chủ nhân và môi trường cây lan đó được trồng. Tuy nhiên, mình ưu tiên cho giá thể nào rẻ tiền và dễ tìm.


Hiện tại, mình đang dùng hai loại, một loại toàn than và một loại là than trộn với dớn cọng. Than mua về ngâm vào xô nước một tuần cho than ngấm nước và chìm hết xuống đáy. Mỗi ngày đều xả nước để thải hết những chất muối hoặc dầu nếu có (tốt nhất không mua than đước hoặc than đốt từ cây có dầu nhưng mình sợ mua lầm) Đập than nhỏ cỡ ngón tay cái. Không nên đập to quá vì than to thì tổng diện tích bề mặt sẽ ít, làm sự hút nước bị chậm, độ ẩm cũng giảm. Khi độ ẩm được giữ ổn định, phân chậm tan bón vào gốc sẽ được phóng thích thường xuyên.

 
Khi trồng cây vào chậu, phải cố định cây thật vững, cây bị lung lay thì rễ sẽ không bám vào giá thể được.Trồng giả hành cũ vào sát mép chậu, giả hành mới hướng vào giữa lòng chậu vì dendro chỉ mọc thêm giả hành theo một hướng.

Hình minh họa hướng lan

Ở phần lớn các loài lan có cánh hoa tròn, khít thì tuổi thọ của lá ngắn. Vì vậy, sau hơn một năm thì các giả hành không còn lá, bộ rễ của các giả hành đó cũng bị mục nên cần phải tách ra trồng lại. Ở một số loài lan có cánh hở, tuổi thọ của lá khá bền nên bộ rễ của chúng cũng bền theo, ít khi phải tách ra trồng lại nên mình cũng phải chọn giá thể nào có độ bền tương ứng.




Lan có cánh bầu tròn

Lan có cánh hở

Ngoài cách trồng vào giá thể thì còn có thể ghép lan vào trụ gỗ. Chọn gỗ có độ bền  như gỗ cây vú sữa. Bó xơ dừa quanh gốc den để giữ ẩm rồi cố định vào trụ. Cách làm này phải chú ý phân bố cây hợp lý để cây được đón nắng đều nhau. Cây phía dưới sẽ bị cây ở trên che bớt nắng, mặt trụ phía sau sẽ không có nắng (nếu là nhà phố, hướng đông như nhà mình)



Tưới nước : Cây lan thiếu nước thì giả hành sẽ teo lại, nhăn nheo, cây mất sức. Vì vậy cần phải đảm bảo độ ẩm trong chất trồng và trong môi trường xung quanh.
"Giờ đẹp" để tưới là khoảng 8 - 9h sáng. Lý do : Lan được uống đầy đủ, tắm mát chuẩn bị sẵn sàng cho thời gian nắng gắt bắt đầu. Vườn mới tưới có nhiều ẩm nên khi nắng lên cao nhưng vườn không quá nóng. Tuy nhiên không phải lúc nào mình cũng rảnh vào giờ này nên mình có thể tưới vào những lúc khác nhưng tránh tưới vào "giờ xấu", đó là tưới lúc giữa trưa nắng gắt và tưới vào ban đêm. Lý do : tưới buổi trưa thì chủ nhân sẽ bị đen da, xấu xí :-))) và cây sẽ bị luộc chín như thế nào thì ai trồng cây cũng đều biết. Buổi tối độ ẩm cao, nếu tưới buổi tối thì lá, thân, rễ, chất trồng đều ẩm ướt kéo dài, dễ dàng cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, buổi tối là lúc lan "ngủ" nên cũng không có nhu cầu uống nước nhiều  Nếu con người được khuyên ăn sáng đầy đủ chuẩn bị cho một ngày làm viêc hiệu quả, tránh ăn khuya để giảm mỡ thừa thì mình cứ suy bụng ta ra bụng cây như vậy.


Cách tưới : cây nào lá nhiều thì tưới nhiều, lá ít tưới ít. Lý do : cây ít lá thì nhu cầu hút nước ít, sự thoát hơi nước qua lá cũng ít. Tưới một lần trong ngày. Trời âm u thì không tưới. Khi trời nắng gắt, nhiệt độ cao thì mình tưới xuống sàn, tưới lên tường, châm nước đầy vào các chậu thủy sinh, phun sương trong không khí để giảm nhiệt.
Nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến sự quang hợp của cây. Nhiệt độ quá cao (trên 30độ C) cây sẽ ngừng quang hợp. Ví dụ một loại cây có thể trồng được ở cả Đà Lạt và Sài Gòn, cây ở nơi mát mẻ lúc nào cũng xanh hơn, mượt hơn, mau lớn hơn. Cây cùng trồng trong vườn cũng vậy, một chậu cây để trơ trọi một mình giữa trời nắng sẽ vàng lá và còi cọc hơn những chậu cây khác trồng thành nhóm xen lẫn vào nhau. Khi trồng thành nhóm như vậy cây sẽ được giữ ẩm tốt hơn nên nhiệt độ trong tiểu vùng đó cũng không cao như chậu cây đứng một mình, dù cùng hứng cường độ nắng như nhau. Vì vậy nên tưới đúng cách và đúng lúc cũng sẽ làm cho lan khỏe mạnh, sung sức.


Ngoài việc tưới nước để cung cấp độ ẩm, tưới còn để phòng ngừa dịch hại.
Sau một thời gian nắng kéo dài mà có một cơn mưa không đủ lớn thì mình sẽ tưới lại toàn bộ vườn lan để rửa trôi tất cả bụi bặm, mầm bệnh trên lưới rơi xuống đồng thời cân bằng lại độ pH vì những cơn mưa như thế thường mang theo nhiều khói, bụi công nghiệp.
Hàng tuần, mình phun nước ngược dưới đáy chậu lên. Lý do : Sau quá trình bón phân thì muối khoáng sẽ tích tụ ở vành ngoài dưới đáy chậu, Khi rễ lan phát triển đến chỗ này thì đầu rễ sẽ bị teo lại. Do đó phun nước để rửa sạch muối.
Ngoài ra mình còn phun nước mặt dưới lá để phòng ngừa dịch bệnh, nhất là nhện đỏ. Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện nóng và khô. Phun nước như vậy giúp rửa trôi nhện đỏ và trứng nhện sẽ bị ung.
Hình minh họa muối đọng dưới đáy chậu và rễ lan bị hư

Bón phân : Trên diễn đàn, thật là hoa mắt, chóng mặt với các loại phân. Trên thị trường thì được người bán giới thiệu với đủ lời lẽ ngon ngọt, tưởng đâu như thuốc tiên, bón vào sẽ có một vườn hoa rực rỡ. Mình cũng đã một thời "yếu lòng" nghe theo những lời đường mật nhưng bây giờ thì mình chỉ dùng 4 loại phân, bón tất tần tật đủ các thể loại từ lan, huệ, lá màu ... Quan trọng là xác định thời điểm nào bón phân gì mà thôi.
Lan ở giai đoạn cần phát triển chồi và rễ là chính thì mình bón phân có chỉ số N cao.
Lan trưởng thành, chuẩn bị cho hoa thì bón phân có chỉ số P cao.

Phân hữu cơ chậm tan của Úc giá khoảng 80k / bao 5kg. Có bán ở các tiệm phân, thuốc, dụng cụ làm vườn


 Phân cá và super 6-14-6 của Mỹ, mua ở Gino shop ( trong sân vận động QK7) . Giá 130k / chai 1 lít . Dùng rất lâu mới hết một chai

Khi lan còn nhỏ đến lúc lớn nhưng giả hành chưa hoàn chỉnh, cứ bình tĩnh bón phân cao N ( phân hữu cơ chậm tan 3-3-2 (màu xanh) bón gốc và phân cá ( Fish Emulsion) để bón lá ) Không thúc bằng phân cao P vì cây chưa đủ tuổi ra hoa


Hình minh họa giả hành chưa hoàn chỉnh.
Khi giả hành đã đủ tuổi cho hoa, dùng phân hữu cơ chậm tan 3-5-2 (màu đỏ) bón gốc và phân Super 6-14-6 để bón lá 

Hình minh họa giả hành hoàn chỉnh, chuẩn bị ra hoa.


Kết quả sau khi dùng phân cao P sẽ được như thế này 


Và thế này


Cách bón : Bón theo nguyên tắc : lá nhiều bón nhiều (nhiều theo định mức chứ không phải là đậm đặc hơn) lá ít bón ít, không lá không bón, cây đang bệnh tuyệt đối không bón.
Phân chậm tan mình bón khoảng 1 tháng / lần. Rải xa gốc.
Phân bón lá pha loãng hơn hướng dẫn một chút cho an toàn, bón hàng tuần (có khi lười thì lâu hơn)


Bón phân qua lá có thêm một số nguyên tắc nữa là :
Bón vào lúc sáng sớm (tốt nhất là trước 7h) Lúc này độ ẩm không khí còn cao, nhiệt độ thấp nên nước bốc hơi chậm, cây có thời gian hấp thụ trọn vẹn, sau đó cây quang hợp để tiêu hóa.
Không bón lúc chiều tối vì cây không quang hợp nên không tiêu hóa hết thức ăn. Hơn nữa phân là "đồ bổ" cho vi khuẩn và nấm phát triển.


Các bước bón phân qua lá :
- Tưới ướt đẫm hoàn toàn thân, lá, rễ giúp rửa sạch bụi bặm trên lá, kích thích cây chuẩn bị "nhập tiệc", ngoài ra làm ướt rễ để không bị hư lông hút.
- Khi nước trên lá vừa ráo thì bắt đầu phun phân. Phun ướt thân, rễ, cả mặt trên và mặt dưới lá.
- Sau khi phun phân, thấy lá vừa ráo thì lại phun nước một lần nữa.

 
Trước kia, phun phân buổi sáng mà tới trưa trời mưa thì mình thấy uổng lắm nhưng từ khi mình đọc được rằng bao nhiêu phân thẩm thấu vào cây thì cũng đã thẩm thấu rồi. Phần còn đọng lại trên lá sau khi nước bốc hơi hết là phần đậm đặc, cây không thể hấp thụ được mà còn thẩm thấu ngược, hút nước từ tế bào trở ra làm cho lan bị cháy rễ. Vì vậy, tưới ướt lá lại lần nữa là giúp làm loãng phân còn thừa để cây tiếp tục hấp thu. Và đó cũng là lý do không phun phân lúc trời nắng to. Cây chưa kịp hấp thu mà phân đã bay hết hơi nước gây ra "quá liều", làm cháy lá, cháy rễ.


Mình mới chỉ trồng vài cây dendro thư giãn, kiếm cớ để đi ra đi vào, ngắm nghía, chụp ảnh, post hình khoe với bạn cho vui nên kinh nghiệm không thể như những người trồng lan chuyên nghiệp được. Và cũng vì lý do vui là chính nên mình không đặt nặng việc dùng thuốc bảo vệ thực vật để đối phó với dịch bệnh.  Sử dụng thuốc thì đâu còn có thể ngắm vuốt từng cái lá, cái nụ. Một cái cây dendro vài chục ngàn, không thuộc loại quý hiếm thì không đáng để đánh đổi lấy môi trường trong lành và sức khỏe của mình và những người xung quanh. Vì vậy, mình chẳng có kinh nghiệm gì hơn ngoài việc không tưới đêm để tránh nấm và dùng nước phun rửa sạch các loài côn trùng.



Hàng ngày, nhìn ngắm những chậu dendro, thấy giả hành sau cao hơn, to hơn giả hành trước, xếp một hàng "nhỏ trước lớn sau" như thế này là câu trả lời của cây cho những gì  mình đối xử với chúng đã đi đúng hướng hay chưa.



Các bạn yêu lan dendro nhưng còn đang ngập ngừng, thử một lần bước chân vào thế giới lan. Sẽ không quá khó khăn để làm một cây den ra hoa như mình từng nghĩ cách đây hai năm. Săn tìm một màu den yêu thích cũng rất dễ dàng với thị trường lan den vô cùng sôi động. Chỉ cần có lòng đam mê thì ước mơ sẽ thành hiện thực.


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Hoa trong vườn - Tháng 12

Tháng này, vườn nhà mình toàn lan. Chắc trời mát mẻ dễ chịu nên hoa cũng tưng bừng. Chỉ còn vài cây "cứng đầu" như mokara, catlaya là mình chưa thể làm nó ra hoa được.





Epi ra hoa quanh năm, vòi hoa rất lâu tàn, cứ nối đuôi nhau nở mãi. Hết hoa thì lại mọc cây con ngay trên vòi hoa nên cây càng ngày càng cao.
Hôm qua mình thấy bán cây epi màu đỏ, màu hồng. Một chậu có vài tép, giá 300k. Èo, chơi hoa nhiều tiền quá hổng còn thấy vui nữa.






Cat mini đổi màu dễ ra hoa, cứ có thân mới là có hoa. Giá như em này có mùi thơm nữa thì tuyệt vời.

Mọi người bảo trồng brass lên như cỏ, hoa đầy chậu. Còn mình thì hay làm úng em này mặc dù mình chẳng tưới trực tiếp, chỉ có nước từ chậu khác văng qua thôi. Mình đã dùng chất trồng là dớn cọng nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng lâu lâu úng mất một thân. Tuy vậy thì thỉnh thoảng vẫn tòi ra từng cặp bông như thế này.

Lần đầu tiên sau hai năm trồng thì hồ điệp cũng đã ra hai vòi hoa. Chắc là đến Tết vẫn còn đẹp nhỉ.

Vườn tháng này còn có cẩm cù nở lai rai. Mặc dù vậy, mình chưa thấy yêu cẩm cù như lan. Vẫn thấy nó õng ẹo phát ghét.






Vườn tháng 12 còn có rất nhiều lan dendro nở. Mình sẽ viết một chút kinh nghiệm trồng dendro trong bài viết sắp tới.